Tham dự hội thảo có ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng; ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN; bà Trần Lan Phương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Rene’e Deschamps - Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam; bà Sarah Twigg - Quản lý khu vực châu Á Thái Bình Dương, Giới và Phát triển kinh tế bao trùm, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC); ông Ankur Kanwar - Giám đốc Toàn cầu về Giải pháp Cấu trúc, Tập đoàn Ngân hàng Standard Chartered; bà Nguyễn Khánh Chi - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; bà Nguyễn Thúy Hạnh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam; ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; và lãnh đạo nữ các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng (TCTD).
Đại diện Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) tham dự hôị thảo có ông Ngô Quang Lương - Thành viên chuyên trách HĐQT, Chủ tịch Công đoàn BHTGVN; bà Phạm Bảo Khánh – Thành viên chuyên trách HĐQT BHTGVN.
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trần Thu Huyền - Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng cho biết, chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là lẽ sống còn, NHNN luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số để đưa ra những quy định đúng đắn, kịp thời; nhận được sự hưởng ứng và triển khai thực hiện quyết liệt từ các TCTD trong toàn hệ thống. Để đạt được những thành tựu này, vai trò của phụ nữ ngân hàng là vô cùng quan trọng. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú - Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng có tỷ trọng cán bộ nữ lớn, lực lượng cán bộ nữ ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng trên mọi mặt hoạt động của Ngành, từ hoạch định chính sách, đào tạo, triển khai các nghiệp vụ chuyên môn cho đến các hoạt động đoàn thể, xã hội từ Trung ương đến địa phương.
Đề cập đến những nội dung cốt lõi của chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho rằng, chuyển đổi số - hiểu một cách đơn giản nhất chính là làm thế nào để người dân thực hiện được tất cả các dịch vụ ngân hàng trên chiếc điện thoại di động. Ngành Ngân hàng có mức độ sẵn sàng cao, nằm trong số các ngành ưu tiên chuyển đổi số. NHNN luôn nằm trong top đầu các Bộ, ngành về chuyển đổi số theo Bộ Chỉ số đánh giá chuyển đổi số; liên tục nhiều năm nằm trong số các Bộ, ngành dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính; tăng trưởng thanh toán số tại Việt Nam đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Giai đoạn 2016-2024, tốc độ tăng trưởng trung bình qua kênh Internet tăng 52%/năm, kênh điện thoại di động 88%/năm; về giá trị, tốc độ tăng trưởng trung bình qua kênh Internet tăng 36,5%/năm, kênh điện thoại di động tăng 109%/năm. Đến nay, Việt Nam có 204,5 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân; 87,08% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán.
Về định hướng chuyển đổi số ngành Ngân hàng trong thời gian tới, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, NHNN rà soát, đánh giá kết quả, thúc đẩy triển khai tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng để sớm đạt được những mục tiêu đặt ra; hoàn thiện thể chế, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai có hiệu quả Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường nguồn lực cho chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tiện ích, chi phí hợp lý cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, hiệu quả.
Diễn giả tại hội thảo
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra Lễ kỷ niệm 115 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Theo Ban tổ chức, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 có nguồn gốc từ phong trào đấu tranh của nữ công nhân lao động tại các nước phương Tây vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ở Việt Nam, tinh thần ấy còn được hun đúc mạnh mẽ hơn qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc, như cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 sau Công nguyên - khẳng định vai trò và sức mạnh của phụ nữ trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Đến thời đại Hồ Chí Minh, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống ấy trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngày nay, tinh thần yêu nước và đóng góp của phụ nữ còn tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Phụ nữ Việt Nam không chỉ giỏi việc nước, mà còn là người giữ lửa cho gia đình, góp phần tạo nên một xã hội ổn định và phát triển bền vững.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú và các Phó Thống đốc chúc mừng đại diện chị em phụ nữ ngành Ngân hàng
Bà Nguyễn Khánh Chi – Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh, phụ nữ ngành Ngân hàng ngày càng khẳng định vai trò quan trọng không chỉ trên các vị trí lãnh đạo chủ chốt mà còn là những cán bộ, đoàn viên tận tâm, góp phần mang đến dịch vụ tài chính chất lượng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy kinh tế phát triển. Dù công việc áp lực cao, phụ nữ ngành Ngân hàng vẫn luôn linh hoạt, trách nhiệm, giữ vững phẩm chất đạo đức và đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành.
Hiện nay, 100% các cơ quan, đơn vị thuộc NHNN và trong ngành Ngân hàng đều có nữ cán bộ lãnh đạo chủ chốt; tỷ lệ nữ có trình độ thạc sĩ trở lên đạt 56,3%; nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 là 42,2%; nữ giữ chức vụ lãnh đạo cấp Vụ là 31% và cấp phòng là 52,7%. Đặc biệt, khi ngành Ngân hàng bước sang chặng đường gần 70 năm xây dựng và phát triển, chúng ta tự hào có nữ Thống đốc đầu tiên.
Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của phụ nữ ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng cho rằng, những đóng góp của phụ nữ ngân hàng vào kết quả chung của ngành là rất to lớn. Do đó, thời gian tới, Phó Thống đốc kêu gọi phụ nữ ngành Ngân hàng “nhiệt huyết rồi sẽ nhiệt huyết hơn nữa ở mỗi vị trí công tác, đưa sự nghiệp của ngành Ngân hàng hoàn thành những nhiệm vụ được giao trong năm nay cũng như nhiều năm tới”. Đồng thời, NHNN sẽ triển khai các cơ chế, chính sách và giải pháp tốt nhất để đảm bảo chị em phụ nữ được cống hiến, học tập, nâng cao trình độ, nhất là trong kỷ nguyên số.
Diệu An