Trong năm 2024, BHTGVN đã tổ chức thành công 02 chương trình khảo sát quốc tế với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Vụ từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính tại Hàn Quốc (từ 25-30/11/2024) và Nhật Bản (DICJ) (từ 03-07/12/2024). Đoàn khảo sát đã làm việc với Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC), Tổng công ty BHTG Nhật Bản (DICJ) và các cơ quan trong mạng an toàn tài chính của hai nước này bao gồm Ngân hàng Trung ương và Cơ quan giám sát tài chính, nhằm học hỏi kinh nghiệm về vai trò của tổ chức BHTG và sự phối hợp của các cơ quan trong mạng an toàn tài chính trong xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Hoạt động khảo sát thực tế đã giúp đoàn công tác liên ngành của Việt Nam có cái nhìn sâu sắc hơn về các nội dung trên và đưa ra những đề xuất phù hợp cho quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG.
Ngoài việc thực hiện khảo sát tại nước ngoài, BHTGVN đã tổ chức 02 hội thảo quốc tế tại Hà Nội với sự tham dự và chia sẻ kinh nghiệm của lãnh đạo cấp cao (Chủ tịch Hội đồng quản trị), các chuyên gia của KDIC và Tổng Công ty BHTG Indonesia (IDIC), các khách mời đến từ các Bộ, Ban ngành và lãnh đạo, cán bộ của BHTGVN. Nội dung hội thảo tập trung vào vai trò của các tổ chức BHTG trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và các vấn đề nổi bật cần quan tâm trong quá trình nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật BHTG, cụ thể: i) Hội thảo “Đề xuất sửa đổi Luật BHTG - Kinh nghiệm của KDIC” diễn ra vào ngày 03/7/2024, chia sẻ về cơ chế xác định hạn mức BHTG, phí BHTG đặc biệt, cơ chế và quy trình xử lý tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán tại Hàn Quốc; và ii) Hội thảo “Xử lý các tổ chức tài chính – Kinh nghiệm của IDIC” diễn ra vào ngày 14/10/2024, chia sẻ về sự phối hợp giữa các thành viên mạng an toàn tài chính tại Indonesia, kinh nghiệm của IDIC trong xử lý ngân hàng, chi trả BHTG và thanh lý tài sản.
Bên cạnh đó, với vai trò đồng tổ chức Hội thảo Quốc tế về tài chính (VICIF) lần thứ 8 tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 01-02/07/2024, BHTGVN đã mời đoàn đại biểu bao gồm lãnh đạo cấp cao của KDIC tham dự và chia sẻ kinh nghiệm về lịch sử phát triển của mô hình BHTG cũng như những sáng kiến của KDIC đã được thực hiện nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền tại Hàn Quốc tại phiên đặc biệt về BHTG và tuyên truyền chính sách BHTG. Nội dung chia sẻ của KDIC đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu đến từ các vai trò khác nhau như chuyên gia, nhà nghiên cứu và giảng viên Đại học trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng của Việt Nam.
Ngoài những sự kiện đăng cai, BHTGVN duy trì vai trò là thành viên tích cực của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) và Ủy ban khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APRC). BHTGVN luôn chủ động tham gia trực tiếp các chương trình hội nghị, hội thảo quốc tế và khóa đào tạo do IADI, APRC và các tổ chức BHTG quốc tế tổ chức. Năm 2024, BHTGVN tham gia 04 chương trình hội nghị, hội thảo trực tiếp; 05 hội nghị, hội thảo trực tuyến; 06 khóa đào tạo, trong đó có 04 khóa đào tạo trực tiếp và 02 khóa đào tạo trực tuyến, tạo ra cơ hội cho cán bộ cập nhật những diễn biến, xu thế BHTG mới nổi trên thế giới.
Hoạt động khảo sát quốc tế cũng được BHTGVN chú trọng thực hiện để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Luật BHTG và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. BHTGVN tham gia trả lời khảo sát thường niên 2024 của IADI và các tổ chức BHTG quốc tế, sử dụng có hiệu quả kết quả của các khảo sát này; tiến hành khảo sát quốc tế đối với các thành viên APRC vào tháng 5/2024 để học hỏi kinh nghiệm về các vấn đề BHTG xuyên quốc gia, xác định số tiền chi trả BHTG trong trường hợp bù trừ tiền gửi và các khoản nợ, khoản vay chung, chế độ tài chính – kế toán của các tổ chức BHTG; tiến hành khảo sát quốc tế một số tổ chức BHTG tiên tiến, hiện đại tại các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia vào tháng 12/2024 để tìm kiếm và nghiên cứu thông tin và kinh nghiệm về quản lý và đầu tư quỹ, vai trò và chức năng của tổ chức BHTG trong xử lý ngân hàng, cơ chế hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp. BHTGVN duy trì tư cách thành viên và hoạt động tích cực trong Ủy ban nghiên cứu, Ủy ban Đào tạo và Hỗ trợ kỹ thuật và Nhóm hành động chiến lược của APRC...
Năm 2024 là dấu mốc về hợp tác với các tổ chức quốc tế lớn như Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) trong quá trình xây dựng và sửa đổi Luật BHTG. Tháng 3/2024, BHTGVN tham gia làm việc với NHNN và IMF trao đổi về hoạt động hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) trong khuôn khổ chương trình đánh giá khu vực tài chính do IMF cung cấp. Tại chương trình này, BHTGVN thực hiện các nội dung liên quan đến đề xuất nâng cao vai trò của BHTGVN trong xử lý, cơ cấu lại các TCTD, tăng cường năng lực, cải thiện khuôn khổ thể chế thuộc cấu phần “Quản lý, xử lý khủng hoảng và mạng an toàn tài chính”. Tháng 12/2024, BHTGVN làm việc với Đoàn công tác HTKT của WB để thảo luận về khả năng tư vấn, hỗ trợ BHTGVN đối với quá trình sửa đổi Luật BHTG và tăng cường năng lực của tổ chức cũng như hoàn thiện chính sách BHTG. Bước đầu, phía WB đánh giá cao vai trò của BHTGVN và bày tỏ sẵn sàng tái khởi động việc hỗ trợ BHTGVN trong việc tăng cường các nhiệm vụ trọng tâm của BHTGVN trong thời gian tới, nâng cao khả năng tiếp cận dữ liệu ngành ngân hàng và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin nhằm đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ mới của BHTGVN. Trong những năm tiếp theo, BHTGVN sẽ chủ động tìm kiếm dự án và chương trình HTKT phù hợp và hợp tác với các tổ chức quốc tế uy tín tại Việt Nam.
Phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua, để hoạt động hợp tác quốc tế của BHTGVN ngày càng đóng góp có hiệu quả cho quá trình sửa đổi Luật BHTG nói riêng, triển khai Kế hoạch hành động Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và các chính sách BHTG quan trọng khác, hoạt động quốc tế cần tiếp tục tăng cường trong năm 2025, tập trung vào một số nội dung chính sau:
Thứ nhất, tham gia và đóng góp tích cực vào các hội nghị, hội thảo, đào tạo, khảo sát và nghiên cứu do IADI, APRC và tổ chức BHTG quốc tế tổ chức;
Thứ hai, tăng cường các hoạt động hợp tác song phương như tổ chức tọa đàm, khảo sát, hội thảo, trao đổi nhân sự với các đối tác ký MOU nhằm trao đổi thông tin, học hỏi lẫn nhau mang lại lợi ích thiết thực và đóng góp vào sự phát triển chung của hai bên;
Thứ ba, nghiên cứu và đề xuất các dự án tiếp cận các nguồn HTKT đến từ các tổ chức quốc tế uy tín như WB, IMF, Ngân hàng phát triển Châu Á nhằm phục vụ cho quá trình sửa đổi Luật BHTG, hoàn thiện chính sách BHTG và nâng cao năng lực hoạt động của BHTGVN.
Phòng Nghiên cứu tổng hợp và Hợp tác quốc tế