Trên đây là nội dung Nguyên tắc thứ 6 trong Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển BHTG hiệu quả. Bộ nguyên tắc nhấn mạnh tổ chức BHTG nên là thành viên trong mọi khuôn khổ trao đổi thông tin và phối hợp thường xuyên giữa các thành viên mạng an toàn tài chính về vấn đề ứng phó và quản lý khủng hoảng.
Nguyên tắc thứ 6 về Vai trò của tổ chức BHTG trong dự phòng rủi ro và quản lý khủng hoảng này bao gồm những tiêu chuẩn cơ bản như sau: (1) Tổ chức BHTG cần phải xây dựng sẵn chính sách, quy trình lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng hiệu quả của riêng mình nhằm đảm bảo khả năng phản ứng có hiệu quả trước rủi ro hoặc thực tế xảy ra đổ vỡ tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như các sự kiện khác; (2) Tổ chức BHTG xây dựng và định kỳ kiểm tra các kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng của mình; (3) Tổ chức BHTG nên là thành viên của tất cả khuôn khổ trao đổi thông tin và phối hợp thường xuyên giữa các thành viên mạng an toàn tài chính về vấn đề ứng phó và quản lý khủng hoảng; (4) Tổ chức BHTG tham gia vào các hoạt động diễn tập định kỳ về lập kế hoạch dự phòng và mô phỏng liên quan đến việc ứng phó và quản lý khủng hoảng mang tính hệ thống với sự tham gia của tất cả các thành viên trong mạng an toàn tài chính; (5) Tổ chức BHTG tham gia vào việc lập kế hoạch truyền thông quản lý trước và sau khủng hoảng của tất cả các thành viên trong mạng an toàn tài chính, để đảm bảo tính toàn diện và thống nhất của các chương trình truyền thông và nâng cao nhận thức công chúng.
Vai trò của DIA trong Lập kế hoạch dự phòng
Hệ thống tài chính - ngân hàng Nga đã phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng vào giai đoạn 2008 – 2009 và 2014 – 2016. Trong cuộc khủng hoảng hệ thống 2008 – 2009, Nga đã thực hiện bơm vốn và tăng cường cơ chế BHTG. Hạn mức BHTG được điều chỉnh từ 400.000 RUB (tương đương khoảng 6.269 đôla Mỹ) lên 700.000 RUB (tương đương khoảng 10.970 đôla Mỹ). Trong thời kỳ đó, cơ chế xử lý ngân hàng của Nga đã được cải thiện. Tháng 10/2008, Cơ quan BHTG Nga (DIA) được ủy quyền xử lý những ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống thông qua các công cụ xử lý như: hỗ trợ ngân hàng mở, mua lại và tiếp nhận nợ (P&A). Từ năm 2008 đến 2010, có tới hơn 70 ngân hàng đã đổ vỡ và DIA đã thực hiện chi trả cho người gửi tiền tại các ngân hàng này.
Giữa năm 2014 và 2016, nền kinh tế Nga tiếp tục trải qua một cuộc khủng hoảng toàn hệ thống. Trong giai đoạn này, có đến 226 tổ chức tham gia BHTG đổ vỡ và DIA lại tiếp tục phải chi trả BHTG để đảm bảo quyền lợi của người gửi tại các ngân hàng này. Trong đó, DIA đã thực hiện xử lý 32 ngân hàng quan trọng về mặt kinh tế và xã hội. Chính quyền Nga khi đó thực hiện một loạt các biện pháp chống khủng hoảng nhằm giữ ổn định tài chính. Một trong số đó là mở rộng phạm vi BHTG cho các tài khoản của các doanh nghiệp tư nhân, tiếp tục tăng hạn mức BHTG từ 700.000 RUB (tương đương khoảng 10.970 đôla Mỹ) lên 1,4 triệu RUB (tương đương khoảng 21.950 đôla Mỹ); đồng thời ra mắt hệ thống phí BHTG dựa trên mức độ rủi ro.
Tổng giám đốc của DIA, với tư cách là thành viên của Hội đồng quốc gia về đảm bảo sự ổn định tài chính (NFSC), tham gia các cuộc họp của NFSC để thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến cách tiếp cận, thực hành và phối hợp hành động của các thành viên mạng an toàn tài chính. DIA phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng TW Nga (CBR) trong việc thường xuyên tổ chức nhữngcuộc họp kỹ thuật và chính sách để thảo luận về các vấn đề mới nổi cũng như xây dựng những phương pháp tiếp cận chung cho nhiều lĩnh vực cụ thể nhằm quản lý khủng hoảng. Bản thân DIA vẫn chủ động và thường xuyên tổ chức đào tạo tại chỗ, đào tạo từ xa và thực hiện các bài tập mô phỏng riêng cho cán bộ của DIA và phối hợp với CBR, triển khai hình thức phối hợp làm việc nhóm với CBR cũng như tổ chức các cuộc họp và thảo luận song phương.
DIA chủ động xây dựng nhiều quy trình nội bộ nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho khủng hoảng. Với nhiều kinh nghiệm chi trả BHTG và xử lý đổ vỡ, DIA đã xây dựng và phát triển một số quy định nội bộ nhằm tóm tắt các phương pháp và thực tiễn, từ đó đưa ra những hướng dẫn hành động cụ thể của DIA. DIA thiết lập quy trình lựa chọn danh sách ngân hàng đại lý và hợp tác với các ngân hàng này trong tất cả các bước của quá trình chuẩn bị và thực hiện chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm. Hiện tại, DIA có thỏa thuận dự phòng với 62 ngân hàng có thể được sử dụng khi thực hiện chi trả. DIA cũng có quy định điều chỉnh việc nộp, chấp nhận và xác minh đơn khiếu nại của người gửi tiền, lập sổ đăng ký các khoản nợ tiền gửi, xử lý khiếu nại của người gửi tiền,v.v. Một yếu tố quan trọng trong công việc của DIA với khiếu nại của người gửi tiền là điều tra và xác minh hành động gian lận của những người yêu cầu chi trả mà không đủ điều kiện vẫn cố tìm cách nhận thanh toán BHTG.
DIA sở hữu bộ quy chế nội bộ mô tả phương pháp và thực tiễn lập kế hoạch xử lý; việc lựa chọn và thực hiện các công cụ xử lý khác nhau; thủ tục hợp tác với CBR cũng như các thành viên khác của mạng an toàn tài chính, nhà đầu tư, chủ nợ và các đối tác khác có thể tham gia hoặc có thể gây ảnh hưởng đến việc xử lý ngân hàng. DIA cũng tự xây dựng nhiều kế hoạch giả định khác nhau nhằm quản lý các thủ tục tiếp nhận, xử lý, tiếp thị và bán tài sản của các ngân hàng đổ vỡ, giao dịch với các chủ nợ, các cuộc họp chủ nợ, ủy ban tín dụng, tòa án,… Một số quy định do DIA phối hợp chặt chẽ với CBR để xây dựng, một số quy định do DIA xây dựng độc lập.
Vai trò của DIA trong quản lý khủng hoảng
Tại Nga, CBR đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định biện pháp can thiệp vào các ngân hàng đổ vỡ. CBR sử dụng một hệ thống phát hiện sớm các ngân hàng có vấn đề nhằm đưa ra hành động khắc phục kịp thời . CBR có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng có vi phạm luật pháp, và có thể chỉ định một quản trị viên tạm thời để quản lý ngân hàng gặp vấn đề. Trong một số trường hợp, DIA được CBR ủy quyền hoạt động như một quản trị viên tạm thời tại ngân hàng có vấn đề
Khi CBR đề xuất DIA xử lý ngân hàng, DIA và CBR sẽ cùng tiến hành thẩm định chi tiết và chuẩn bị báo cáo nhằm lựa chọn kế hoạch xử lý thích hợp. DIA xây dựng kế hoạch xử lý sau đó trình lên CBR. Sau khi CBR phê duyệt kế hoạch xử lý, DIA tự thực hiện kế hoạch này (nếu DIA trở thành cổ đông lớn của ngân hàng) hoặc cùng với một nhà đầu tư được lựa chọn trên cơ sở cạnh tranh (thông qua quy trình đấu thầu kín) hoặc mua lại tài sản và nợ của ngân hàng (trong trường hợp giao dịch P&A). Trong trường hợp CBR đóng cửa ngân hàng, CBR nộp đơn yêu cầu tòa án tuyên bố ngân hàng mất khả năng thanh toán hoặc bị buộc phải thanh lý. Nếu ngân hàng là thành viên hệ thống BHTG, tòa án chỉ định DIA làm cơ quan tiếp nhận hoặc là đơn vị thanh lý.
DIA có thể đóng vai trò là đơn vị xử lý đổ vỡ và sử dụng các công cụ xử lý như: hỗ trợ ngân hàng mở (bơm vốn, sở hữu tạm thời, hỗ trợ sáp nhập và mua lại, mua tài sản, tự cứu trợ một cách gần như tự nguyện, v.v.) và xử lý ngân hàng đóng cửa (chi trả bảo hiểm tiền gửi, P&A, thanh lý ngân hàng). DIA có thể được Chính phủ cung cấp các khoản vay và hỗ trợ vốn trong quá trình xử lý ngân hàng. Trong khi, CBR có thể cho các ngân hàng vay nhằm hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp, tái cấp vốn cho các ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống cụ thể.
Tại Nga, tất cả các thành viên mạng an toàn tài chính đều sử dụng truyền thông như một công cụ để phòng ngừa và quản lý khủng hoảng. Các đơn vị này phối hợp truyền thông chính sách thông qua việc tham gia vào NFSC, Hội đồng quản trị CBR, Hội đồng quản trị DIA, các cuộc họp làm việc nhóm. DIA sử dụng đường dây nóng điện thoại miễn phí và trang thông tin chính thức của DIA, thông cáo báo chí, tổ chức họp báo (tự DIA tổ chức hoặc cùng các thành viên khác của mạng an toàn tài chính), phỏng vấn trên truyền thông đại chúng, v.v.; ngoài ra, DIA cũng tích cực sử dụng mạng xã hội. Liên hệ với Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy trình và chính sách cụ thể về lập kế hoạch dự phòng cũng như quản lý khủng hoảng. Hệ thống văn bản pháp luật hiện tại của Việt Nam chưa đề cập cụ thể đến mạng an toàn tài chính, do đó chưa có quy định nào về việc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là thành viên của mạng an toàn tài chính và có cơ chế phối hợp cụ thể giữa các thành viên trong việc lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng. Đồng thời, Việt Nam chưa có quy định chia sẻ thông tin chính thức giữa các cơ quan giám sát trong hệ thống ngân hàng. Tới nay, mới chỉ có quy định cơ chế phối hợp riêng lẻ như Thông tư 34/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc chia sẻ thông tin giữa BHTGVN và NHNN hay Quy chế phối hợp công tác và trao đổi thông tin giữa NHNN và Bộ Tài chính.
Việc NHNN ban hành Thông tư 34/2016/TT-NHNN quy định cụ thể về việc chia sẻ thông tin giữa NHNN và BHTGVN cũng đã tạo cơ sở bước đầu cho việc phối hợp giữa hai cơ quan trong chia sẻ thông tin,dự phòng rủi ro, cảnh báo sớm nhằm kịp thời ứng phó khi tổ chức tín dụng gặp vấn đề.
Trong tương lai, để thực hiện tốt vai trò của mình trong việc duy trì sự ổn định, an toàn của hệ thống tài chính, cần chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch dự phòng cũng như các chính sách quản lý khủng hoảng như: xây dựng chiến lược truyền thông trung – dài hạn, tăng cường năng lực tài chính, thiết lập cơ chế hỗ trợ đảm bảo nguồn vốn cần thiết cho BHTGVN trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, v.v.. Bên cạnh đó, BHTGVN cần định kì thực hiện các phương án diễn tập phòng - chống khủng hoảng, đặc biệt là thực hiện các bài tập mô phỏng chi trả cho người gửi tiền nhằm duy trì niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng. Đồng thời, BHTGVN cần nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nhằm phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc giám sát và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Tài liệu tham khảo
Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển bảo hiểm tiền gửi hiệu quả, IADI, 2014
Hướng dẫn lập kế hoạch dự phòng và ứng phó khủng hoảng hệ thống, IADI, 2019