Tham dự hội nghị có Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và các đồng chí trong Ban lãnh đạo NHNN, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, các NHTM và điểm cầu trực tuyến tới NHNN các khu vực trên cả nước.
Sau 2 lần sắp xếp, hệ thống NHNN Trung ương và khu vực đã đi vào ổn định, nền nếp, không gián đoạn hoạt động
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, năm cuối trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, là năm quan trọng để đánh giá, tổng kết trong nhiệm kỳ vừa qua khẳng định nỗ lực, đóng góp của ngành Ngân hàng trong tiến trình phát triển kinh tế đất nước.
Thống đốc nhận định, trong năm 2025, điều hành chính sách tiền tệ đối diện nhiều khó khăn thách thức. Cụ thể, trên thế giới, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, căng thẳng chính trị leo thang, chính quyền Mỹ tuyên bố áp thuế với các quốc gia… đã tác động tới tình hình kinh tế, tài chính tiền tệ quốc tế. Với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu không ít ảnh hưởng.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2025, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8%, tạo đà tăng trưởng cao vào những năm tiếp theo. Việc đặt ra mục tiêu này trong bối cảnh còn nhiều khó khăn đòi hỏi ngành ngân hàng phải bứt phá trong điều hành và cả hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, NHNN cũng như các bộ ngành đã thực hiện một nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ đó là tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động theo Nghị quyết 18-NQ/TW. Sau sắp xếp, NHNN từ 25 đơn vị xuống còn 20 đơn vị, giữ lại các đơn vị có chức năng cốt lõi về quản lý nhà nước (tương đương tỉ lệ giảm là 20%), đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương. Trường hợp tính cả các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thì NHNN giảm 52 đầu mối, tương đương tỷ lệ giảm 60%; giảm 179 phòng tại các đơn vị thuộc NHNN, tương ứng 46%.
“Việc sắp xếp nhân sự tại các đơn vị được NHNN thực hiện tuyệt đối tuân thủ theo quy định của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ và bám sát hướng dẫn của Bộ Nội vụ về nguyên tắc sắp xếp” - Thống đốc nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu NHNN, với quyết tâm cao và sự chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt của NHNN, qua 2 lần tổ chức sắp xếp với các mốc thời gian ngày 01/3/2025 và ngày 01/7/2025, hệ thống ngân hàng nhà nước tại Trung ương và các Khu vực đã đi vào hoạt động ổn định, nền nếp, không gián đoạn hoạt động. Để có được kết quả đó, NHNN đã có nhiều văn bản hướng dẫn các NHNN Khu vực tiếp nhận và thực hiện tốt các mặt hoạt động, đảm bảo đúng quy định, trong đó đặc biệt là công tác quản trị tài chính, thanh toán, kho quỹ, kiểm kê, bàn giao, chuyển đổi dữ liệu, công tác điều hoà, vận chuyển tiền mặt trong hệ thống và hoạt động giao dịch tiền mặt của NHNN Khu vực với TCTD tiếp tục đảm bảo ổn định, thông suốt, đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền mặt của nền kinh tế.
Chính sách tiền tệ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, ngành Ngân hàng đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD.
Cụ thể, tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, đến ngày 10/6/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 6,3%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024.
Về tỷ giá, NHNN đã điều hành linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời phối hợp với các công cụ chính sách tiền tệ khác để giảm bớt áp lực đối với tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Tỷ giá đã diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường.
Cùng với đó, NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước về thị trường vàng; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ -CP theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hiện nay, NHNN đang trong quá trình tổng hợp ý kiến và tiếp tục thực hiện các bước theo trình tự ban hành Nghị định.
Đối với điều hành tín dụng, NHNN tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD. Từ đầu năm 2025 đến nay, tăng trưởng tín dụng tích cực cải thiện so với cùng kỳ năm 2024. Đến ngày 30/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024.
Triển khai các chương trình tín dụng trọng điểm
Tín dụng tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, các dự án, công trình trọng điểm, khả thi. Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục là hai lĩnh vực có tỷ trọng lớn trong cơ cấu tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên (lần lượt chiếm tỷ trọng 23,16% và 17,51%). Tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao có tốc độ tăng trưởng rất cao, gần gấp đôi so với tốc độ chung (lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 15,69%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 17,59%).
Các chỉ đạo, định hướng, giải pháp về tín dụng ngành, lĩnh vực đã kịp thời, bám sát định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tế được nắm bắt thông qua các Hội nghị, làm việc trực tiếp tại các địa phương, triển khai sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Các TCTD đã nỗ lực, quyết tâm triển khai chỉ đạo của NHNN nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, cụ thể: tập trung hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm, khả thi; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; Xem xét nâng hạn mức cho vay, tạo điều kiện vay vốn cho ngành hàng xuất khẩu chủ lực lúa gạo, cà phê; Chủ động đối thoại, tháo gỡ khó khăn, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng gặp khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh; Tích cực triển khai và sẵn sàng bố trí nguồn vốn cho vay và giải ngân các chương trình tín dụng...
Bên cạnh tín dụng thương mại, các chương trình tín dụng chính sách cũng được triển khai tích cực tại NHCSXH nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng chính đáng và trang trải chi phí sinh hoạt, chi phí việc làm với lãi suất ưu đãi. Đến 31/5/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt 389.387 tỷ đồng, tăng 5,92% so với năm 2024 với hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ.
Hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10
Các mặt công tác khác cũng tiếp tục được triển khai tốt như quyết liệt tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và tích cực xử lý các TCTD yếu kém, đặc biệt là đã hoàn thành việc chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu kém. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD luôn được NHNN chú trọng, đổi mới và tăng cường nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, sai phạm của TCTD, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng. Thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh.
Đồng thời, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng tiếp tục được rà soát, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo thuận lợi cho hoạt động của TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, NHNN đã đề xuất xây dựng, trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD 2024 theo hướng tiếp tục luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn trong việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, đồng thời phân cấp, phân quyền cho NHNN trong việc quyết định cho vay đặc biệt của NHNN đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm. Hiện nay, NHNN đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Toàn cảnh hội nghị
Với nhiều giải pháp quyết liệt và chiến lược rõ ràng, ngành Ngân hàng đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc hoàn thành các mục tiêu năm 2025, tạo nền tảng ổn định cho giai đoạn phát triển tiếp theo của nền kinh tế.
PV