Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị
Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện Văn phòng Chính phủ, một số bộ, ngành khác. Về phía ngành Ngân hàng có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng và các Phó Thống đốc NHNN, lãnh đạo một số vụ, cục đơn vị liên quan.
Chính sách tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự đóng góp của ngành Ngân hàng trong thành công chung của đất nước năm 2024 vừa qua. Chính sách tiền tệ giống như huyết mạch của nền kinh tế đã góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế đạt được kết quả ấn tượng. Ngành Ngân hàng - trong đó có các ngân hàng thương mại đã nỗ lực cùng đất nước vượt qua thử thách. Thủ tướng cũng biểu dương và ghi nhận đóng góp của các ngân hàng thương mại trong tiến trình phát triển của đất nước thời gian vừa qua.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, năm 2025 là năm tăng tốc để về đích, phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên, tạo đà tạo thế tạo lực tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Từ đầu năm tới nay, tình hình thế giới có nhiều thay đổi, có tác động đến nhiều chính sách, trong đó có chính sách tiền tệ. Xác định đây là năm có nhiều thách thức, Thủ tướng cũng nhấn mạnh có không ít thời cơ, thuận lợi. Lãnh đạo Chính phủ mong muốn, ngành Ngân hàng sẽ dùng tiềm năng của mình để biến thuận lợi thành xung lực, động lực phát triển đất nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, toàn ngành Ngân hàng quán triệt sâu sắc và ý thức năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên, kiểm soát lạm phát, cũng thể hiện trách nhiệm, quyết tâm cao nhất để có giải pháp điều hành phù hợp.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để kinh tế tăng tốc, bứt phá, tăng trưởng tín dụng có vai trò vô cùng quan trọng. Năm 2025, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
"NHNN sẽ theo sát diễn biến, nếu lạm phát được kiểm soát ở mức thấp điều chỉnh tăng chỉ tiêu này và ngược lại. Chính sách tín dụng cũng sẽ tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, khai thác các động lực như tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ." - Thống đốc nhấn mạnh.
Với tín dụng nhà ở xã hội, cần nhiều nguồn lực, đặc biệt là từ ngân sách nhà nước. Thực tế, thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã rất trách nhiệm với tinh thần nhân văn, hỗ trợ và tự nguyện giảm lãi suất cho vay nhưng trong quá trình triển khai đang gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ và thúc đẩy tín dụng nhà ở xã hội, NHNN mong muốn Bộ Xây dựng phối hợp địa phương đánh giá tổng thể nhu cầu về nhà ở trong đó gồm cả nhu cầu sở hữu và thuê, mua, để tín dụng ngân hàng đi vào trọng tâm. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng quyết liệt triển khai tín dụng BOT và BT.
Về lãi suất và tỷ giá, Thống đốc nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất thách thức. Theo Thống đốc, bản thân các NHTM cần có sự rà soát tiết giảm chi phí để cố gắng giảm lãi suất. Trong điều hành, NHNN có các kênh đưa tiền ra để đảm bảo các ngân hàng không gặp phải khó khăn trong nguồn vốn...Về tỷ giá, NHNN theo dõi sát, điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tích cực thảo luận, đề xuất các giải pháp trọng tâm, đột phá để ngành ngân hàng tăng tốc, bứt phá trong năm 2025 và thời gian tới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
3 nhiệm vụ quan trọng và 8 giải pháp trọng tâm
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành quả mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong thời gian vừa qua, không chỉ đối với nhiệm vụ chính trị mà còn cả công tác an sinh xã hội, đồng hành cùng đất nước vượt qua nhiều khó khăn như dịch bệnh Covid-19, bão lũ, hưởng ứng lời kêu gọi xoá nhà tạm, nhà dột nát của Thủ tướng.
Chia sẻ ba bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng, cần quan tâm, chia sẻ với người dân, doanh nghiệp; bám sát tình hình trong ngoài nước để đưa ra đề xuất, góp ý tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thể chế và phải có sự đoàn kết, thống nhất với cơ quan trong hệ thống chính trị với hệ thống ngân hàng để giải quyết những vấn đề khó khăn.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đặt ra 3 nhiệm vụ quan trọng đối với ngành Ngân hàng thời gian tới, đó là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng nêu 8 nhóm giải pháp cần tập trung:
Thứ nhất, ngân hàng cần tiết giảm chi phí hoạt động, hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân.
Thứ hai, tập trung tín dụng, góp phần thúc đẩy ba động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Thông qua các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, NHNN, các NHTM phải tiên phong trong chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu số, tích cực triển khai Đề án 06… xây dựng thí điểm ngân hàng ảo. Vận dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào hoạt động để thông qua đó giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ tư, cắt giảm thủ tục hành chính phiền hà sách nhiễu, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí trong hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ năm, xây dựng ngân hàng thông minh, nâng cao năng lực sức chiến đấu của người làm ngân hàng trong quá trình xây dựng phát triển đất nước, tăng cường học tập kinh nghiệm quốc tế để áp dụng trong hoạt động ngân hàng.
Thứ sáu, ngân hàng tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào 3 đột phá chiến lược đó là góp ý về hoàn thiện thể chế, tập trung tín dụng cho phát triển hạ tầng và góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thứ bảy, ngân hàng tích cực triển khai gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội qua đó góp phần xoá nhà tạm, nhà dột nát, nghiên cứu các gói vay ưu đãi về nhà ở xã hội cho những người trẻ có nhu cầu an cư, lạc nghiệp.
Thứ tám, phối hợp chặt chẽ hiệu quả với các cơ quan quản lý nhà nước, để chung tay chung sức đồng lòng hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, của hệ thống ngân hàng. Trên tinh thần vì sự phát triển chung của đất nước, của hệ thống ngân hàng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Ngân hàng phải quyết tâm cao nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, trong phân công rõ: người, việc, hiệu quả, thời gian; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, là điểm tựa của người dân, doanh nghiệp.
PV