KDIC – nhân tố cấu thành mạng an toàn tài chính Hàn Quốc
Được thành lập ngày 1/6/1996 trên cơ sở Điều 3 - Luật bảo vệ người gửi tiền (DPA), Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC) đóng vai trò bảo vệ người gửi tiền và ổn định hệ thống tài chính quốc gia. Tính đến tháng 12/2012, KDIC đã bảo hiểm cho 319 tổ chức tham gia BHTG bao gồm: ngân hàng, nhà đầu tư & môi giới, công ty bảo hiểm, ngân hàng thương mại, ngân hàng tiết kiệm tương hỗ…với hạn mức trả tiền bảo hiểm là 50 triệu won (tương đương 44.843 đô-la Mỹ). |
Là một trong những cấu phần quan trọng trong mạng an toàn tài chính quốc gia, bao gồm: MoSF (Bộ chiến lược và Tài chính), FSC (Ủy ban dịch vụ tài chính), BOK (Ủy ban chính sách tiền tệ), FSS (Ủy ban giám sát tài chính); KDIC tham gia vào quá trình bảo đảm ổn định hệ thống tài chính thông qua hoạt động quản lý an toàn Quỹ BHTG (DIF), quản lý rủi ro các tổ chức thành viên, xử lý các tổ chức đổ vỡ và khôi phục quỹ. Trong giai đoạn ổn định của nền kinh tế, KDIC tăng cường phối kết hợp và chia sẻ thông tin với FSS hoặc BOK để tiến hành giám sát, kiểm tra chung và đưa ra kết luận về tình trạng tài chính của tổ chức tham gia BHTG. Nếu phát hiện tổ chức đang trong tình trạng yếu kém hoặc mất khả năng thanh toán, KDIC sẽ kịp thời xác định và triển khai phương pháp xử lý, cụ thể: thoái lui, từ đó tiến hành thanh lý phá sản và chi trả BHTG thông qua việc thu hồi cổ tức và quản lý tài sản phá sản; hoặc khôi phục tổ chức trên bằng hình thức ngân hàng bắc cầu hay dùng bên thứ 3 mua lại ngân hàng đổ vỡ. Quá trình khôi phục này được hỗ trợ thực hiện trên cơ sở việc mua bán cổ phiếu trong các tổ chức tài chính được bơm tiền, quản lý tiến độ thực hiện các biên bản ghi nhớ (MOU) và thông lệ quản lý các tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán.
Mô hình hệ thống giám sát rủi ro của KDIC
Hệ thống giám sát rủi ro của KDIC là một quy trình khép kín bao gồm bốn giai đoạn: phát hiện rủi ro, đánh giá rủi ro, xác nhận rủi ro và kiểm soát rủi ro, được phản án cụ thể qua mô hình sau đây:
Quá trình phát hiện rủi ro được thực hiện trên cơ sở biên bản ghi nhớ về chia sẻ 100% thông tin giữa KDIC với các thành viên thuộc mạng an toàn tài chính, được công khai trên một hệ thống chung gọi là FIAS. Bên cạnh đó, tại hội nghị về tài chính và kinh tế diễn ra hàng quý, FSS cũng công bố nội dung liên quan đến hoạt động của các ngân hàng để phục vụ việc phân tích, đưa ra nhận định và phát hiện các rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng của KDIC.
Sau khi phát hiện rủi ro, KDIC sẽ tiến hành đánh giá rủi ro đó thông qua hai phương pháp: phân tích định lượng và phân tích định tính.
+ Phương pháp phân tích định lượng: được triển khai trên Hệ thống đánh giá và dự báo rủi ro (REFS) với đối tượng cụ thể là ngành ngân hàng và từng ngân hàng riêng biệt. Có nhiều mô hình được sử dụng trong phân tích định lượng như: mô hình đánh giá rủi ro, mô hình logit, mô hình ordered probit và mô hình chỉ số rủi ro. Việc sử dụng các mô hình này vào quá trình đánh giá sẽ giúp KDIC có cái nhìn xác thực và chặt chẽ về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh cũng như những rủi ro tiềm ẩn của ngân hàng để xếp loại ngân hàng theo từng mức nhất định. Cụ thể: những ngân hàng ở mức A-B được xem là hoạt động tương đối hiệu quả. KDIC sẽ tiến hành kiểm tra rủi ro theo quý và thường xuyên cập nhật thông tin về các ngân hàng này. Ngân hàng loại C sẽ được đưa vào diện giám sát ưu tiên và KDIC sẽ phỏng vấn các giám đốc điều hành nếu thấy cần thiết. Các ngân hàng loại D-E sẽ chịu sự giám sát tập trung của KDIC và các thành viên khác trong mạng an toàn tài chính. Đồng thời trong quá trình giám sát, KDIC sẽ liên tục tiến hành kiểm tra rủi ro theo quý, lập báo cáo thường xuyên và phát hành tài liệu đánh giá để cập nhật thông tin về tiến trình xử lý rủi ro tại ngân hàng có vấn đề.
+ Phương pháp phân tích định tính: là quá trình đánh giá rủi ro dựa trên các thông tin tài chính và phi tài chính nhận được, từ đó KDIC sẽ lập báo cáo chi tiết về tình hình kinh doanh của ngân hàng, phân tích các thay đổi về lợi nhuận dòng trong thời kỳ và các nguyên nhân dẫn đến rủi ro tiềm ẩn. Bên cạnh đó, việc thực hiện stress-test đối với các tổ chức tham gia BHTG, xem xét biến đổi giữa kỳ trước và kỳ hiện tại trong các vấn đề: rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành, rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường… cũng sẽ là một cơ sở để đánh giá rủi ro hiện tại, từ đó đưa ra dự báo về những rủi ro tiềm tàng trong tương lai.
Trên cơ sở các rủi ro được xác nhận, KDIC sẽ tiến hành quy trình kiểm soát rủi ro. Quy trình này chia làm hai phần:
+ Yêu cầu FSC hành động: theo quy định tại điều 21 – Luật BHTG Hàn Quốc, khi phát hiện rủi ro KDIC sẽ báo cáo và đề nghị FSC thông qua biện pháp khắc phục kịp thời, đồng thời gửi thông báo đến các tổ chức tài chính được xác nhận là có nguy cơ rủi ro cao để phối hợp xử lý tình huống.
+ Xử lý riêng: sau khi xác định các tổ chức có nguy cơ đổ vỡ, KDIC sẽ xây dựng quỹ hỗ trợ mục tiêu, đồng thời lên kế hoạch chi trả cho người gửi tiền hoặc thực hiện các biện pháp mua bán – sáp nhập, đưa vào diện giám sát chặt chẽ, truy cứu trách nhiệm về quản lý trước và sau đổ vỡ.
Cơ chế xử lý các tổ chức tài chính đổ vỡ tại Hàn Quốc
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, KDIC đã tích cực tham gia vào quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng tại Hàn Quốc và góp phần tăng cường năng lực hoạt động lành mạnh của các tổ chức tài chính; trên cơ sở pháp lý vững chắc là một số bộ luật hiện hành như: Luật về cải tiến cấu trúc ngành tài chính, Luật bảo vệ người gửi tiền, Luật đặc biệt về quản lý công quỹ, Luật hội đồng dịch vụ tài chính, Hàn Quốc đã phát triển cơ chế xử lý đặc biệt (SRR) áp dụng cho các tổ chức tài chính không phải thuộc các công ty hợp danh theo điều khoản sửa đổi từ năm 1997-2000. Những đặc trưng của SRR là hành động khắc phục nhanh (PCA), có rất nhiều công cụ xử lý và đơn giản hóa thủ tục xử lý, bao gồm: tăng vốn, thanh lý tài sản, đình chỉ các giám đốc điều hành, bổ nhiệm người tiếp quản, đình chỉ tất cả hoặc một phần việc kinh doanh, sáp nhập hoặc bên thứ ba tiếp nhận và chuyển giao việc kinh doanh hay các hợp đồng tài chính.
Trong quy trình xử lý, KDIC đã giảm thiểu rủi ro đạo đức bằng cách áp dụng nguyên tắc chi phí tối thiểu và nguyên tắc chia sẻ tổn thất công bằng. Công cuộc tái cấu trúc tài chính cũng có những thành quả đáng kể. Mặc dù có một số ngân hàng tiết kiệm tương hỗ bị đổ vỡ, nhưng KDIC đã xử lý êm thấm thông qua các nghiệp vụ như thanh lý/phá sản, P&A, ngân hàng bắc cầu và hỗ trợ ngân hàng mở (OBA), từ đó góp phần duy trì lành mạnh hệ thống tài chính và củng cố niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng thời kỳ khủng hoảng.
+ Thanh lý/phá sản: là phương thức xử lý truyền thống nhất được sử dụng trong trường hợp không có nguy cơ khủng hoảng hệ thống. Theo đó, KDIC sẽ thanh toán cho người gửi tiền và tiến hành thanh lý tổ chức bị đổ vỡ, đồng thời FSC quyết định thời gian và đưa ra biện pháp xử lý trên cơ sở đề xuất của KDIC về chi phí xử lý tối thiểu được áp dụng. Sau khi FSC tuyên bố đóng cửa tổ chức đổ vỡ, KDIC sẽ tiến hành thu hồi giấy phép kinh doanh và gửi yêu cầu xử lý lên toà án để kết thúc hoạt động của tổ chức này.
+ P&A nợ thay: là biện pháp chuyển giao một phần tài sản và nợ được lựa chọn của tổ chức đổ vỡ sang cho một tổ chức khác lớn mạnh hơn. Khi có thông tin xác nhận đổ vỡ, FSC sẽ tuyên bố tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán và chấm dứt hoạt động. Đồng thời, trên cơ sở nguyên tắc chi phí xử lý thấp nhất, FSC sẽ quyết định tính khả thi của việc tiến hành P&A với sự hỗ trợ tài chính cho tổ chức đổ vỡ từ KDIC. Ưu điểm của loại hình P&A là có thể chuyển phần lớn tài sản rủi ro thấp và tiền gửi được bảo hiểm sang cho bên tiếp nhận, trong khi đó các tài sản được xếp loại xấu hoặc liên quan đến gian lận thường được tổ chức thanh lý giữ lại, theo đó bảo đảm quy trình xử lý trở nên linh hoạt hơn, không làm đình trệ hoạt động liên quan.
+ Ngân hàng bắc cầu: trên thực tế đây là một hình thức khác của P&A, tức là tài sản và nợ của ngân hàng đổ vỡ sẽ được chuyển sang ngân hàng bắc cầu do KDIC thành lập. Về quy trình cơ bản của ngân hàng bắc cầu giống với P&A, điểm khác biệt duy nhất là KDIC sẽ bán cổ phần của tổ chức đổ vỡ khi kết thúc quy trình. Ưu điểm hoạt động xử lý theo mô hình ngân hàng bắc cầu là cho phép các nghiệp vụ ngân hàng được tiếp tục, từ đó bảo đảm kiểm soát việc đình trệ do đóng cửa. Bên cạnh đó, khách hàng vẫn có thể tiếp cận bình thường với các dịch vụ ngân hàng, hoạt động cho vay sẽ được giám sát chặt chẽ và giá trị quyền thương hiệu của ngân hàng vẫn được duy trì như trước. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là thời gian xử lý kéo dài, kéo theo phát sinh nhiều chi phí trong quá trình triển khai (mất hai tháng để chuyển giao hợp đồng và sau đó là 12 tháng tiếp theo để bán ngân hàng bắc cầu cho bên thứ ba).
+ Hỗ trợ ngân hàng mở: hình thức này được sử dụng khi có nguy cơ rủi ro hệ thống, theo đó KDIC sẽ cung cấp hỗ trợ để phục hồi năng lực tài chính của tổ chức bị đổ vỡ. Khi FSC chính thức tuyên bố việc mất khả năng thanh toán mà không chấm dứt hoạt động kinh doanh của tổ chức đổ vỡ, KDIC sẽ ngay lập tức kiểm tra chi phí xử lý thấp nhất để phục vụ việc FSC đưa ra yêu cầu giảm hoàn toàn vốn đối với tổ chức nêu trên. Sau khi tiến hành hỗ trợ tài chính thông qua hình thức đóng góp bằng phần thiếu trong tài sản ròng được chuyển và đầu tư vốn chủ sở hữu, KDIC sẽ ký một biên bản ghi nhớ với tổ chức đổ vỡ để bình thường hóa hoạt động kinh doanh, đồng thời triển khai việc bán cổ phần để kết thúc quá trình xử lý tổ chức đổ vỡ.
Trong các hình thức xử lý tổ chức tài chính đổ vỡ được nêu trên, có thể nói P&A đã được Hàn Quốc sử dụng rộng rãi và hiệu quả kể từ giai đoạn 2007 sau khi cơ quan có thẩm quyền xử lý chuyển từ FSS sang KDIC. Khi thực hiện P&A, KDIC có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc chi phí thấp nhất khi xử lý, từ đó đảm bảo việc thanh toán lãi có tính chất hợp đồng cho người gửi tiền có tiền gửi dưới hạn mức, giúp họ tiếp cận kịp thời tiền gửi được bảo hiểm và duy trì liên tục hoạt động của các dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó, việc cổ đông và các giám đốc điều hành chịu trách nhiệm một phần đối với các tổn thất cũng đảm bảo việc nâng cao niềm tin của thị trường bằng cách tách ngân hàng tốt khỏi ngân hàng xấu, từ đó góp phần ổn định hệ thống tài chính và tránh những nguy cơ về rủi ro hệ thống có thể xảy ra.
Vấn đề mấu chốt của việc giám sát rủi ro và xử lý ngân hàng đổ vỡ đó là lựa chọn được biện pháp xử lý ít tốn kém, mang lại hiệu quả cao và tránh được những nguy cơ về rủi ro hệ thống có thể đe dọa đến tính lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Thiết nghĩ, những thành công của Hàn Quốc trong xử lý êm thấm các ngân hàng đổ vỡ sẽ là tham khảo cần thiết đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam trong bối cảnh tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Phòng TTTT
Tài liệu tham khảo:
Hội thảo kinh nghiệm giám sát rủi ro và xử lý ngân hàng đổ vỡ tại Hàn Quốc