Chế Độ:  
Hiệp hội BHTG Quốc tế

Quy chế thành viên của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI)

 

1. Giới thiệu về Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI)

Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) là diễn đàn của các tổ chức BHTG trên khắp thế giới, tập trung lại để cùng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình. IADI cung cấp nhiều chương trình đào tạo cũng như xây dựng các nghiên cứu và hướng dẫn về các nội dung trong lĩnh vực BHTG.

(a)  Tầm nhìn: Chia sẻ kiến thức về bảo hiểm tiền gửi với toàn thế giới

(b)  Nhiệm vụ: Góp phần nâng cao hiệu của của hệ thống BHTG thông qua việc tăng cường hướng dẫn và hợp tác quốc tế.

(c)  Mục tiêu: Góp phần vào sự ổn định của hệ thống tài chính thông qua việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BHTG, khuyến khích hợp tác sâu rộng giữa các tổ chức BHTG cũng như các bên liên quan. Cụ thể là: (a) nâng cao hiểu biết về những lợi ích chung và các vấn đề của BHTG; (b) xây dựng hướng dẫn để nâng cao hiệu quả của hệ thống BHTG – các hướng dẫn này sẽ xem xét hoàn cảnh cũng như hình thức và cấu trúc khác nhau của các hệ thống BHTG; (c) hỗ trợ việc chia sẻ và trao đổi kiến thức, thông tin về BHTG thông qua đào tạo, phát triển và các chương trình giáo dục, cung cấp tư vấn về việc thành lập hoặc nâng cấp hệ thống BHTG; (d) tiến hành nghiên cứu về các vấn đề của BHTG;  (e) có những biện pháp, hành động cần thiết hoặc có lợi cho mục tiêu và hoạt động của mình.

(d)  Các hoạt động chính:

-  Phát triển các nguyên tắc, tiêu chuẩn và hướng dẫn để tăng cường hiệu quả của các hệ thống BHTG – trong đó có tính đến điều kiện, hình thức cấu trúc khác nhau của các tổ chức.

-  Khuyến khích các tổ chức BHTG xem xét và áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn và hướng dẫn;

- Phát triển các phương pháp đánh giá tuân thủ Bộ nguyên tắc cơ bản, tiêu chuẩn, hướng dẫn và hỗ trợ quá trình đánh giá

-  Nâng cao sự hiểu biết chung về các vấn đề của BHTG

- Hỗ trợ việc chia sẻ và trao đổi kiến thức, thông tin về các vấn đề của BHTG thông qua các chương trình đào tạo, phát triển, các chương trình giáo dục, cung cấp tư vấn về việc thành lập hoặc nâng cấp hệ thống BHTG

-  Tiến hành nghiên cứu về các vấn đề của BHTG

-  Hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt các tổ chức có hoạt động trên những lĩnh vực liên quan đến thị trường tài chính và tăng cường tăng trưởng, ổn định và thống nhất trong lĩnh vực tài chính

- Nâng cao nhận thức giữa các cơ quan giám sát và quản lý của các tổ chức tài chính về vai trò quan trọng của BHTG trong việc duy trì ổn định tài chính

Có những biện pháp, hành động cần thiết hoặc có ích cho mục tiêu và hoạt động của mình.

(e ) Cơ cấu tổ chức

 

2. Giới thiệu về Ủy ban Châu Á Thái bình dương (APRC)

APRC là một trong các Ủy ban khu vực của IADI, được thành lập với mục tiêu phản ánh những lợi ích và vấn đề chung của khu vực thông qua việc chia sẻ và trao đổi thông tin ý kiến. APRC có các chức năng:

(a)  Mở rộng thành viên của IADI tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Hiện tại APRC có 22 thành viên, gồm các đại diện tổ chức BHTG trong khu vực cũng như một số tổ chức quốc tế khác (Ngân hàng phát triển châu Á- ADB và Trung tâm SEACEN).

(b)  Tăng cường đối thoại thông qua việc tổ chức các cuộc hội thảo, họp trong khu vực, thành lập các hệ thống liên lạc để chia sẻ kiến thức và xây dựng cộng đồng lợi ích của các tổ chức BHTG và các thành viên mạng an toàn tài chính

(c)  Nghiên cứu những vấn đề liên quan đến BHTG tại khu vực

(d)  Tăng cường hợp tác trong khu vực thông qua việc hỗ trợ kiến thức BHTG giữa các thành viên

(e)  Tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế cũng như các bên liên quan nhằm hỗ trợ các hoạt động của Ủy ban

(f)   Là cơ quan đại diện cho các thành viên trong khu vực liên lạc với các tổ chức trong khu vực và Hội đồng điều hành của IADI về các vấn đề cùng quan tâm.

(g)  Thực hiện các công việc khác theo đúng mục đích của APRC

Hàng năm, APRC tổ chức Hội nghị, hội thảo thường niên cũng như các chương trình hội thảo khác nhằm hợp tác chia sẻ kiến thức giữa các nước thành viên khu vực có nhiều đặc điểm chung về địa lý, kinh tế, xã hội.

 

3.  Các hình thức thành viên

 Hiện tại, IADI có 75 thành viên, 9 cộng sự và 12 đối tác

 

4.  Điều kiện trở thành thành viên

Đơn xin gia nhập Hiệp hội sẽ được gửi cho Tổng thư ký, sau đó Tổng thư ký sẽ trình lên Hội đồng điều hành để xem xét và phê chuẩn. Hội đồng điều hành có quyền từ chối đơn xin gia nhập mà không cần nêu lý do và không bị khiếu nại.

Chỉ có các tổ chức BHTG mới được xem xét việc trở thành thành viên của IADI. Các tổ chức khác có thể tham gia theo hình thức khác (xem ba hình thức còn lại).

Hội viên có thể xin ra khỏi Hiệp hội bất kỳ lúc nào sau khi nộp thông báo bằng văn bản trước cho Tổng thư ký. Bất kỳ sự rút lui nào cũng có hiệu lực kể từ cuối tháng sau khi nhận được thông báo, trừ khi trong thông báo có đề cập cụ thể ngày tháng chấm dứt muộn hơn.

Hồ sơ xin gia nhập gồm có: Đơn xin gia nhập và Quy chế hoặc Luật làm cơ sở cho việc hình thành tổ chức BHTG tại quốc gia đó.

 

5.  Lợi ích của việc trở thành thành viên của IADI

(a)  Về mặt đa phương: IADI là một diễn đàn lớn hội tụ gần 100 tổ chức trên khắp các châu lục, rất lý tưởng để phát triển sự hợp tác sâu rộng giữa các cơ quan BHTG và tổ chức liên quan.

(b)  Về mặt song phương: Trên cơ sở là thành viên của IADI, các tổ chức có cơ hội phát triển các mối quan hệ song phương thông qua các hình thức như ký kết văn bản hợp tác, thỏa thuận song phương về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Điều này đặc biệt có ích cho các tổ chức BHTG còn đang trong quá trình hoàn thiện vì nó sẽ giúp học hỏi được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ các tổ chức BHTG phát triển có lịch sử hoạt động lâu dài.

(c)  Sử dụng “thư viện thông tin” của IADI

Thành viên của IADI sẽ được truy cập vào kho dữ liệu chỉ dành riêng cho thành viên nơi có rất nhiều những nghiên cứu và hướng dẫn quan trọng, kịp thời, Bộ nguyên tắc cơ bản, dữ liệu thông tin khảo sát và tài liệu hội thảo, hội nghị chuyên đề, cơ hội đào tạo cũng như các thông tin về việc thành lập, hoạt động, duy trì và nâng cấp hệ thống BHTG.

(d)  Tham gia các chương trình đào tạo, hội thảo về BHTG

IADI có các chương trình đào tạo thường niên dành cho các nước thành viên về các vấn đề của Bảo hiểm tiền gửi, thông thường là 2 lần/ 1 năm. Các khóa đào tạo này thường quy tụ những diễn giả có chuyên môn sâu rộng về tài chính ngân hàng, BHTG. Nội dung của các chương trình này cũng xoay quanh những vấn đề cơ bản đang được quan tâm.

Ngoài ra, thành viên của IADI còn được tham dự chương trình đào tạo do FSI phối hợp với IADI tổ chức hàng năm tại Thụy Sĩ với sự tham gia của nhiều đối tượng như tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý,  với các nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Hội nghị thường niên của IADI thường được tổ chức kết hợp với Hội thảo quốc tế cũng là một dịp quan trọng để các tổ chức BHTG trên khắp thế giới tụ họp chia sẻ cập nhật thông tin.

(e)  Chương trình nâng cao năng lực

Một số tổ chức BHTG tiên tiến là thành viên của IADI có chương trình trợ giúp nâng cao năng lực về Bảo hiểm tiền gửi và xử lý tổ chức đổ vỡ dành cho các tổ chức cơ quan có nhu cầu, dưới hai hình thức chính là: Đào tạo chuyên nghiệp và tư vấn của chuyên gia. Ban thư ký của IADI sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc cho các tổ chức có nhu cầu.

 

Đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: BHTGVN gia nhập IADI từ năm 2003 và đã tiếp nhận được rất nhiều lợi ích từ tư cách thành viên của mình. Một mặt, việc mở rộng hợp tác với các tổ chức BHTG tiên tiến trên thế giới đã giúp BHTGVN học hỏi được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong việc xây dựng tổ chức, phát triển nghiệp vụ BHTG, cập nhật những thông tin mới nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, mặt khác, BHTGVN đã khẳng định được vị thế của mình, cả trong và ngoài nước và nhấn mạnh hơn nữa vai trò của tổ chức BHTG trong việc đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng. 

 

* Mọi thông tin tham khảo về Hiệp hội BHQT (IADI), vui lòng truy cập tại: www.iadi.org